Theo một nghiên cứu đến năm 2022, khoảng 82% nội dung trực tuyến sẽ là video content...
Theo một nghiên cứu của công ty công nghệ thông tin Cisco, đến năm 2022, khoảng 82% nội dung trực tuyến sẽ là video content trong khi VR và AR đang nỗ lực mở rộng trải nghiệm cho người dùng.
Facebook, Instagram, Youtube, TikTok… những nền tảng mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống và thói quen hằng ngày của nhiều người trong thế giới hiện đại. Một số người “nghiện” chúng tới mức điều đầu tiên họ làm sau khi thức dậy là kiểm tra tài khoản mạng xã hội của họ.
Với tầm quan trọng của mạng xã hội trong đời sống của người tiêu dùng, không khó hiểu khi ngày càng nhiều nhà tiếp thị và doanh nghiệp đổ xô vào các nền tảng này với hy vọng tăng cường kết nối với khách hàng mục tiêu của họ.
Dưới đây là một số xu hướng trên các nền tảng truyền thông xã hội năm 2021, thậm chí xa hơn nữa.
Sự thống trị của các nền tảng truyền thống vẫn tiếp tục
Facebook và Instagram từ lâu đã luôn là những nền tảng mạng xã hội lớn nhất và phổ biến nhất trên thế giới mạng. Trong những năm gần đây, một số cái tên mới đã xuất hiện và tạo dựng được tiếng vang đáng kể, đáng chú ý nhất chính là TikTok.
Tuy nhiên, những người mới luôn gặp khó khăn trong quá trình mở rộng ảnh hưởng của mình. Ví dụ điển hình nhất cũng chính là TikTok. Nền tảng này ra mắt vào năm 2016 và ngay lập tức trở nên phổ biến với giới trẻ. Nhưng chính sự nổi tiếng nhanh cùng “gốc gác” Trung Quốc khiến TikTok thu hút sự chú ý của các nhà quản lý thế giới.
TikTok đã gặp nhiều khó khăn với giới chức Mỹ, trong khi một thị trường lớn khác là Ấn Độ thậm chí “cấm cửa” nền tảng này vào tháng 6/2020.
Facebook và Instagram cũng có những vấn đề riêng và hiện đang phải đối mặt với một số thách thức từ nhiều chính phủ trên thế giới. Tuy nhiên, đây vẫn là những nền tảng thống trị vào năm 2020 và xu hướng này vẫn duy trì sang năm 2021.
Công ty chuyên về quản lý phương tiện truyền thông xã hội Hootsuite đã khảo sát các doanh nghiệp về dự định tăng chi tiêu quảng cáo trên mạng xã hội vào năm 2021. Kết quả, 60% nói rằng họ có ý định tăng ngân sách cho Instagram và 46% dự định tăng tăng ngân sách Facebook. YouTube (45%) và LinkedIn cũng tỏ ra khá phổ biến. Chỉ 14% trong số các công ty được khảo sát có ý định tăng cường tiếp thị trên nền tảng TikTok.
Thương mại điện tử và video content mở rộng ảnh hưởng
Các doanh nghiệp từ lâu đã sử dụng những nền tảng như Instagram, Pinterest và Facebook để bán sản phẩm. Có thể nói, thương mại điện tử trên mạng xã hội đang trên đà trở thành một kênh bán lẻ chính thống ngang hàng với các phương tiện khác như trang web và cửa hàng bán trực tiếp.
Xu hướng này sẽ càng mạnh mẽ hơn khi ngày càng có nhiều mạng xã hội giới thiệu các tính năng hỗ trợ bán hàng như mua sắm ngay tại bài đăng (shoppable post) của Facebook và Instagram.
Bên cạnh đó, các nội dung dưới dạng video (Video content) là một trong những dạng nội dung hấp dẫn nhất và sẽ sớm thống trị các phương tiện truyền thông xã hội. Cho dù đó là những video dạng ngắn như những video trên TikTok hay Facebook Stories hay các video dài trên YouTube, video content sẽ chứng minh rõ hơn sự vượt trội của mình trong tương lai.
Facebook sẽ thông báo cho người dùng về các quảng cáo được cá nhân hóa]
Theo một nghiên cứu của công ty công nghệ thông tin Cisco, đến năm 2022, khoảng 82% nội dung trực tuyến sẽ là video content.
Với những ai chưa tận dụng được video content, dù là người dùng phổ thông hay doanh nghiệp, đã đến lúc bạn đưa dạng nội dụng này vào cân nhắc. Bạn có thể bắt đầu bằng cách sử dụng các tính năng như Stories trên Facebook cho cả những nội dung mang tính cá nhân và quảng cáo. Bạn cũng có thể thêm video vào các bài đăng trên mạng xã hội của mình, ngay cả trên các nền tảng thường bị nội dung hình ảnh hoặc văn bản thống trị.
Live Stream trở thành một phần thiết yếu
Năm 2020 đã thúc đẩy mọi người trong xã hội phải học cách làm quen với những điều “bình thường mới," bao gồm là sự dịch chuyển gần như mọi hoạt động thường ngày lên môi trường trực tuyến như học tập, làm việc, buôn bán và giao tiếp. Ngay cả những người cao tuổi có thể chưa bao giờ sở hữu điện thoại di động trước năm 2020 cũng phải thích nghi với việc live stream (truyền phát video trực tuyến) để có thể duy trì kết nối với xã hội.
Khác với suy nghĩ của nhiều người, live stream không chỉ để phục vụ cộng đồng game thủ. Những sự kiện mua sắm lớn cũng được live stream và điều này đang ngày càng trở nên phổ biến.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp dùng hình thức live stream để thực hiện các dịch vụ chăm sóc khách hàng - một điều ít ai có thể ngờ tới trước thời đại dịch. COVID-19 đã khiến nhiều người quen với việc tương tác với các doanh nghiệp theo thời gian thực trong các buổi live stream. Họ có thể kiểm tra, ngắm nghía hay nhận tư vấn về một sản phẩm mà không cần rời khỏi nhà.
Ngoài các nền tảng xã hội truyền thống, những nền tảng chuyên về live stream cũng ghi nhận mức độ phổ biến tăng nhanh chóng trong năm 2020. Như nền tảng Twitch, tính đến giữa tháng 12/2020, họ đã ghi nhận 1.049 tỷ phút live stream được xem trong năm - tăng 67,1% so với năm 2019. Nền tảng này cũng ghi nhận 6,7 triệu streamer hoạt động hàng tháng vào cùng giai đoạn, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2019. Xu hướng này sẽ tiếp tục vào năm 2021, dù tình hình dịch COVID-19 có thể được cải thiện.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ Thực tế tăng cường (AR)
Mặc dù việc ứng dụng thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) trên mạng xã hội vẫn trong giai đoạn non trẻ, các nền tảng vẫn nỗ lực tìm kiếm cách thức những công nghệ này có thể giúp mở rộng trải nghiệm cho người dùng. Họ đã bắt đầu tận dụng chúng trong những năm gần đây.
Ví dụ như Instagram. Nền tảng này đã sử dụng AR cho nhiều bộ lọc ảnh (filter) của mình, như những filter có thể trang điểm hoặc thêm phụ kiện cho khuôn mặt người dùng theo thời gian thực.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Techcrunch)
Song ứng dụng của AR trên mạng xã hội không chỉ giới hạn ở các filter vui nhộn để giúp người dùng có một bức ảnh độc lạ. Các thương hiệu cũng có thể tận dụng AR để cung cấp trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khách hàng của họ.
Chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Sephora từ lâu đã sử dụng AR để cho phép khách hàng thử các sản phẩm trang điểm khác nhau trước khi mua. Mặc dù tính năng này đã xuất hiện trên ứng dụng di động của họ từ trước, Sephora gần đây cũng đã triển khai tính năng này cho Facebook. Giờ đây, người dùng có thể thử các sản phẩm của Sephora qua Facebook Messenger nhờ filter tích hợp AR.
Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook cũng có tham vọng rất lớn với AR. Đã có những thông tin ban đầu về dự án Facebook Horizon - một không gian VR dành cho tương tác xã hội. Trong Horizon, ngoài việc tương tác với những người khác, người dùng có thể xây dựng không gian riêng và thậm chí tự tạo ra các trò chơi. Song dự án này vẫn còn khá non trẻ và cần thêm thời gian để phát triển.
AR còn rất nhiều khả năng ứng dụng tiềm năng cho các thương hiệu trên nền tảng mạng xã hội. Và xu hướng này sẽ còn được thúc đẩy khi các nền tảng vẫn nỗ lực không ngừng trong việc bổ sung thêm nhiều chức năng tích hợp AR.
Với hơn 4 tỷ người sử dụng trên khắp thế giới mỗi tháng, các nền tảng mạng xã hội đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối con người, giúp đảm bảo nhiều hoạt động giải trí, học tập, thương mại không bị đứt quãng trong thời kỳ đại dịch. Một điều đặc biệt của mạng xã hội là chúng luôn thay đổi, và những xu hướng mới sẽ tiếp tục được sinh ra. Hãy cùng theo dõi và đón chờ xem thế giới mạng xã hội sẽ có những đổi mới nào trong năm 2021 này./.
H.Thủy (TTXVN/Vietnam+)