Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2021 là 6,5%, tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm phải trên 7%, thách thức không nhỏ khi COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp....
GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn dự báo
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, GDP tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, mức tăng tưởng này thấp hơn so với dự báo đầu quý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 5,8%, “nhưng khớp với dự báo của chúng tôi là 5,6% cho 6 tháng đầu năm”.
GDP quý II/2021 tăng 5,64% (Ảnh minh họa: KT)
Theo TS. Cấn Văn Lực, với kết quả trên, rõ ràng mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch như Nghị quyết số 01 của Chính phủ đã đề ra, đó là mong muốn quý I/2021, GDP tăng trưởng 5,12%; quý II tăng trưởng trên 6%. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm là rất đáng khích lệ, trong bối cảnh 6 tháng qua xảy ra 2 đợt dịch tương đối nặng so với năm 2020, mặc dù chúng ta đã điều chỉnh chiến lược về kiểm soát dịch bệnh được tốt hơn.
Một số dự báo từng lạc quan cho rằng, tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt 7%, nhưng theo ông Lực, tác động từ việc đại dịch bùng phát trở lại cần được đánh giá kỹ hơn trong các dự báo tăng trưởng.
“Đại dịch tác động ít nhất đến 9 lĩnh vực khác nhau của kinh tế Việt Nam, nên năm nay, đạt được mức tăng trưởng 6,5% là cực kỳ khó”, ông Lực nhận định, đồng thời cho rằng, tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi trở lại trong những tháng cuối năm và tăng trưởng GDP cả năm 2021 có thể đạt mức từ 6,1% - 6,3%.
“Tăng trưởng kinh tế năm nay phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh COVID-19, cố gắng vượt một chút so với chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, tăng trưởng 6% cũng là thành công”, TS. Cấn Văn Lực cho hay.
Cùng quan điểm, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, làn sóng dịch COVID-19 đã quay trở lại, làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế đã phần nào khôi phục trong quý I. Đáng chú ý, đợt dịch lần này ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực sản xuất của Việt Nam khi đi thẳng vào một số khu công nghiệp và trung tâm kinh tế lớn.
Theo ông Bình, khu vực hộ kinh doanh cá thể và kinh tế phi chính thức chịu ảnh hưởng rất lớn bởi sự bùng phát của dịch bệnh do phải tạm thời ngừng kinh doanh hay kinh doanh cầm chừng. Trong khi đó, khu vực kinh tế này hiện đang chiếm hơn 30% GDP của Việt Nam.
Cùng với đó, dịch bệnh lan rộng còn ảnh hưởng tới tốc độ triển khai các ý tưởng kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, thực hiện dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công và tới sự phục hồi của các ngành thuộc khu vực dịch vụ.
“Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 tác động rất lớn đến mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021. Tuy nhiên, còn quá sớm để khẳng định chúng ta có đạt được mục tiêu năm 2021 hay không. Có điều chắc chắn rằng, đạt được hay không, cũng đều phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch bệnh và hiệu quả của việc khống chế dịch bệnh trong thời gian tới”, TS. Lê Duy Bình nêu ý kiến.
Thách thức vẫn rất lớn
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong cả năm như đã đề ra, theo tính toán, tăng trưởng 6 tháng cuối năm đều phải đạt hơn 7%. Đây là một con số rất áp lực trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và nguồn cung vaccine còn hạn chế.
Để đạt mức tăng trưởng kỳ vọng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân và giữ cho dịch bệnh không lây lan vào các doanh nghiệp, các khu công nghiệp.
“Đẩy mạnh tiêm chủng và giữ cho dịch không bùng phát là nhân tố quan trọng để tăng trưởng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tính đến hiện tại, số người được tiêm chủng ở Việt Nam vẫn khá thấp. Điều này đặt ra thách thức trong việc thực hiện thành công “mục tiêu kép” của Việt Nam.
“Từ nay đến cuối năm, ít nhất chúng ta phải đạt được 30% dân số được tiêm chủng, sang năm 2022 tiếp tục để có thể 70-80% dân số được tiêm vaccine để tạo ra miễn dịch cộng đồng, có như vậy mới có thể khống chế được dịch bệnh để ổn định sản xuất”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Còn theo TS. Lê Duy Bình, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng mới chỉ mang tính chất ngắn hạn, tạm thời chưa có tính căn cơ và dài hạn. Để nền kinh tế phát triển bền vững trong thời gian tới, trước hết, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để trong hoàn cảnh nào, cũng có sức chống chọi mạnh mẽ, bền bỉ hơn. Chính phủ và các bộ, ngành cần có biện pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận được thị trường toàn cầu với vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; tạo cơ hội để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có giá trị gia tăng cao hơn, với hàm lượng tri thức, chất xám, công nghệ hơn.
“Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mang tính dài hạn, ví dụ như: cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sự cạnh tranh công bằng, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo. Bên cạnh đó, phát triển khu vực hộ kinh doanh cá thể, nâng cấp dần khu vực kinh tế không chính thức cũng cần được chú trọng”, TS. Lê Duy Bình khuyến nghị.
Theo vtc.vn