"Trong quá trình này, Việt Nam phải vượt qua những sản phẩm "dễ dãi" mà các bạn đã sản xuất rất thành công trong ba thập kỷ qua để chuyển sang những hoạt động sản xuất và dịch vụ phức tạp hơn" - chuyên gia kinh tế Hàn Quốc từng nhận giải Myrdal 2003 về Kinh tế Chính trị học Tiến hóa của Hiệp hội châu Âu, ông Ha Joon-chang nhấn mạnh.
Kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu, mọi quốc gia - trừ những nơi may mắn có được trữ lượng dầu khổng lồ - đều giàu từ sản xuất. Trước khi bắt đầu chuyển hướng nền kinh tế sang dịch vụ, Anh, Đức, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã là những nhà sản xuất đẳng cấp thế giới từ rất lâu trước đó. Gần đây, một "lứa" mới của các nước sắp chuyển sang giai đoạn phát triển Malaysia, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Romania, Thái Lan và Mexico cũng đã tăng cường năng lực sản xuất của họ.
Chuyên gia kinh tế Ha-Joon Chang lập luận rằng: việc thúc đẩy xuất khẩu và sản xuất là rất quan trọng cho loại hình phát triển này. Phát triển, về cơ bản là về sự thay đổi cấu trúc, hướng tới việc sản xuất các sản phẩm có thể xuất khẩu giá trị cao - hầu hết trong số đó thường là hàng hóa sản xuất. Cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu cũng buộc các nhà sản xuất của một quốc gia tăng năng suất và thúc đẩy họ áp dụng các công nghệ tiên tiến của nước ngoài.
Một số quốc gia đang phát triển đã cố gắng đưa ý tưởng này vào thực tế. Việt Nam là một trong những ví dụ đã có sự tăng trưởng sản xuất theo cấp số nhân trong những năm gần đây, theo Bloomberg.
Cũng có những ý kiến cho rằng, con đường phát triển theo hướng sản xuất thành công đã đóng lại. Trong một bài thuyết trình năm 2016 có tên là "Thời đại của sự tăng trưởng vượt trội?", chuyên gia kinh tế Dani Rodrik cho rằng các nước như Trung Quốc và Malaysia sẽ là những quốc gia cuối cùng có thể dựa vào sản xuất để tạo ra bước nhảy vọt từ nghèo đói sang giàu có.
Rodrik cho rằng, hầu hết các quốc gia phát triển chuyển dịch cơ cấu từ sản xuất sang dịch vụ sau khi họ trở nên giàu có, nhưng trong những thập kỷ gần đây, quá trình chuyển dịch này đã xảy ra sớm hơn. Điều này khiến nhiều nước đang phát triển bắt đầu chuyển sang sản xuất sớm hơn, trước khi cơ sở hạ tầng và các nguồn lực của họ phù hợp với việc công nghiệp hóa hoàn toàn.
Một bài báo năm 2015 của các nhà kinh tế Douglas Gollin, Remi Jedwab và Dietrich Vollrath thấy rằng ở nhiều nước đang phát triển, đô thị hóa hiện nay khiến người nghèo chuyển từ các trang trại sang thẳng ngành dịch vụ thay vì làm việc trong các nhà máy. Đối với các nước như Việt Nam và Bangladesh, đây là tin xấu. Nếu Rodrik đúng, sức mạnh sản xuất hiện tại của họ có thể "bốc hơi". Họ có thể đi vào "vết xe đổ" của các quốc gia như Indonesia, Nigeria và Brazil... những nơi tỷ lệ sản xuất trên GDP đang giảm dần.
Lý do cho việc này là gì? Khả năng cao là tự động hóa. Sớm muộn thì robot cũng sẽ thay thế phần đáy của thị trường lao động trong chuỗi cung ứng. Khi đó, những người lao động nghèo, không có kỹ năng, thường hoạt động trong các ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp hơn, như may mặc, đồ chơi và lắp ráp điện tử, sẽ không còn có lợi thế so sánh.
Tuy nhiên, vẫn có thể lạc quan khi một số nghiên cứu đã chỉ ra sự xuất hiện của robot thậm chí còn tạo ra việc làm, kể cả cho những người có tay nghề thấp.
Quan trọng hơn, Rodrik đã sai khi cho rằng công nghệ là lý do khiến các quốc gia kể trên rơi vào tình trạng công nghiệp hóa "đảo ngược" - tức là tỷ trọng sản xuất trong GDP giảm dần. Trong cùng một thời điểm, khi quá trình đảo ngược ở Nigeria và Brazil - xảy ra vào những năm 1980 và 1990, thì Trung Quốc đang tăng cường năng lực sản xuất trong các ngành công nghiệp thâm dụng lao động và tạo ra phép màu tăng trưởng của riêng mình.
Có những lý do khác tạo ra hiện tượng công nghiệp hóa "đảo ngược". Ví dụ, ở châu Phi, một số quốc gia đã sử dụng chính sách thay thế nhập khẩu, tự đóng cửa để buôn bán và cố gắng tự sản xuất hàng hóa của mình, thường sử dụng các nhà máy quốc doanh kém hiệu quả. Brazil đã sử dụng cách thức tương tự. Sau khi chiến lược thay thế nhập khẩu không hiệu quả, họ đã buộc phải mở biên giới cho hàng nhập khẩu. Tai hại là, lại càng làm suy giảm các ngành công nghiệp địa phương vốn đã không hiệu quả.
Ngoài những sai lầm chính sách của chính họ, quá trình công nghiệp hóa của Trung Quốc cũng có thể đã góp phần khiến các quốc gia nói trên nghèo đi. Sức mạnh sản xuất đáng kinh ngạc của Trung Quốc đã khiến các công ty đa quốc gia quay lưng lại với các đối thủ chậm chạp như Indonesia, kìm hãm các ngành công nghiệp non trẻ của chính họ.
Một lý thuyết kinh tế của Paul Krugman, Masahisa Fujita và Anthony Venables có thể chỉ ra nguyên nhân. Các nhà kinh tế này dự đoán rằng, khi nền kinh tế thế giới phát triển, các khu vực sẽ công nghiệp hóa theo từng giai đoạn, từng vùng một. Nếu điều này là đúng, thì các quốc gia khác sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chờ đợi Trung Quốc hoàn thành phép màu tăng trưởng của riêng họ, rồi mới có thể bắt đầu.
Thời điểm đó có thể đã cận kề: chi phí sản xuất ở Trung Quốc tăng nhanh, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, và mong muốn đa dạng hóa của các công ty đa quốc gia trước các mối đe dọa như Covid-19.
Bloomberg nhận định: "Có lẽ đã đến lúc các nước như Việt Nam và Bangladesh tiếp quản nhiều ngành sản xuất thâm dụng lao động. Ngay cả các quốc gia như Indonesia, giờ cũng có thể có cơ hội thứ hai. Các nước đang phát triển không nên từ bỏ giấc mơ "làm giàu" dựa vào sản xuất".
"Trung Quốc có ngành công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin đến nay đã tương đối phát triển. Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, họ đã phát triển lên tầm cao hơn là chỉ lắp ráp đơn thuần như trước. Việt Nam là nước khá tương đồng với Trung Quốc trong các hoạt động về sản xuất điện tử, cả về nhân công và vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, logistics… và sẽ rất phù hợp để tiếp nhận dòng dịch chuyển vốn, cũng chính là dòng dịch chuyển về công nghệ" – bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhận định.
Ha Joon-chang nhấn mạnh trong lời giới thiệu cho lần xuất bản ở Việt Nam của ấn phẩm "Lên gác rút thang – Chiến lược phát triển nhìn từ quan điểm lịch sử":
"Hiện nay, Việt Nam đang ở một thời điểm vô cùng quan trọng. Trong ba thập kỷ qua, bất chấp những vết sẹo chiến tranh còn hằn sâu, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể về kinh tế. Trong thời gian này, Việt Nam đã chuyển từ một trong những nước nghèo nhất thế giới thành một nước có thu nhập trung bình. Đó là một thành tựu đáng tự hào.
Nhưng, Việt Nam vẫn là nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp và còn phải làm rất nhiều điều nếu muốn trở thành một nền kinh tế phát triển thực sự. Trong quá trình này, Việt Nam phải vượt qua những sản phẩm "dễ dãi" mà các bạn đã sản xuất rất thành công trong ba thập kỷ qua để chuyển sang những hoạt động sản xuất và dịch vụ phức tạp hơn.
Trong quá trình đưa sự phát triển kinh tế của mình lên một tầm cao mới, Việt Nam cân phải có thái độ thận trọng trước học thuyết chính thống về thị trường tự do, thương mại tự do. Việt Nam cần phải học những bài học đích thực từ lịch sử, mặc dù không thể sao chép một cách chính xác kinh nghiệm lịch sử…".
Theo cafef.vn