Việc phong tỏa và giãn cách xã hội khiến việc thụ hưởng quyền con người bị hạn chế, ông Trần Chí Thành - phó vụ trưởng Vụ Các tổ chức Quốc tế của Bộ Ngoại giao - nhận định sáng 15-12 tại Hà Nội.
Hội thảo về thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong bối cảnh dịch COVID-19 do Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm ngày Nhân quyền 10-12.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Chí Thành nhận định bên cạnh tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống, dịch COVID-19 còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền được sống và chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh kịp thời của người dân cũng như quyền tự do cá nhân bao gồm quyền tự do di chuyển và tự do hội họp.
Tuy nhiên, việc cách ly nhằm bảo vệ sức khoẻ của chính người nhiễm, gia đình và cộng đồng là phù hợp với chuẩn mực quốc tế về quyền con người, ông Thành nói.
Nhìn nhận rằng việc đảm bảo tiếp cận thông tin của người dân trong bối cảnh đại dịch "là một cuộc chiến", phó vụ trưởng Vụ Các tổ chức Quốc tế nhấn mạnh việc công khai tình hình và các biện pháp phòng chống dịch là một trong những công cụ quan trọng để đẩy lùi COVID-19 và nâng cao ý thức của người dân.
"Sự gia tăng trong tần suất, mức độ nghiêm trọng về thông tin sai lệch đã khiến cho Chính phủ Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, không thể đảm bảo, bảo vệ được quyền tiếp cận thông tin chính thống cho người dân; và nguy hiểm hơn là gây mất đoàn kết nội bộ", ông Thành cảnh báo.
Cũng tại hội thảo, bà Caitlin Wiesen - đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam - dẫn báo cáo mới nhất của cơ quan này về tác động kinh tế của COVID-19 lên các nhóm dễ bị tổn thương, cho biết thu nhập của người di cư và lao động phi chính thức giảm đến 43% vào tháng 5-2020.
Tỉ lệ nghèo ở các dân tộc thiểu số đã nhảy vọt lên 76,3% vào tháng 4 và 70,3% vào tháng 5. Trong khi đó, chương trình học trực tuyến không bao phủ đối tượng là trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật.
Khảo sát với hơn 1.280 công nhân dệt may - da giày của Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam cũng cho thấy hơn 86% người được hỏi cho biết bị ảnh hưởng nghiêm trọng liên quan đến việc làm và thu nhập trong 8 tháng đầu năm. 77% trong số họ cho biết luôn ở trong tâm trạng lo lắng, bất an kéo dài.
"Việt Nam đang đứng trước thực trạng một số quyền con người, bao gồm các quyền xã hội, kinh tế, dân sự và chính trị, bị ảnh hưởng và các nhóm dễ bị tổ thương có nguy cơ bị bỏ lại xa hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và thiên tai", bà Caitlin Wiesen nhận định.
Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khuyến nghị Chính phủ nỗ lực đặt quyền con người và nhân phẩm là trọng tâm của mọi hành động, tiếp tục thực thi các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và công ước quốc tế về nhân quyền.
Những bài học kinh nghiệm từ ứng phó đại dịch COVID-19 của Việt Nam cũng có thể được áp dụng vào việc thực hiện các khuyến nghị Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền LHQ mà Việt Nam chấp thuận, theo bà Caitlin Wiesen.
Cơ chế UPR là cơ chế liên chính phủ của Hội đồng Nhân quyền có nhiệm vụ rà soát tổng thể tình hình nhân quyền tại tất cả các quốc gia thành viên LHQ và được tiến hành định kỳ 4-5 năm một lần theo nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch, xây dựng.
Việt Nam tuyên bố chấp thuận 241 trong tổng số 291 khuyến nghị được Hội đồng Nhân quyền LHQ đưa ra trong chu kỳ III - tỉ lệ chấp thuận cao so với mặt bằng chung.
Ngày 7-12 vừa rồi, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Nghị quyết thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh 27-12 do Việt Nam chủ trì đề xuất với 6 nước đồng tác giả và 107 nước tham gia đồng bảo trợ.
Theo TuoiTre.Vn
-----------------------------------------------------------
Mời liên hệ để có Báo giá và nhận ưu đãi:
CÔNG TY TNHH HANOPRO (VIỆT NAM)
Nhà máy sản xuất: Lô B4. KCN Hapro, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội
Hotline: +84 985.462.062
Email: export01@hanopro.com
Website: www.hanopro.vn